1. Kiến thức cơ bản Chứng khoán Phái sinh
1. Chứng khoán phái sinh là gì?
Chứng khoán phái sinh là các công cụ tài chính mà giá trị của chúng phụ thuộc vào giá của một tài sản cơ sở.
Chứng khoán phái sinh quy định quyền lợi và/hoặc nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng đối với việc thanh toán và/hoặc chuyển giao tài sản cơ sở với một mức giá được thỏa thuận trước vào một thời điểm nhất định trong tương lai.
Tài sản cơ sở của chứng khoán phái sinh có thể là hàng hóa như nông sản, kim loại, v,v.. hoặc công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu, lãi suất, v.v.
2. Loại chứng khoán phái sinh nào sẽ được triển khai trên thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam?
Chứng khoán phái sinh bao gồm 4 loại chính:
– Hợp đồng kỳ hạn: là một thỏa thuận giữa hai bên tham gia để mua và bán một loại tài sản ở một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá được xác định trước ngay ở thời điểm hiện tại.
– Hợp đồng tương lai: là hợp đồng kỳ hạn được chuẩn hóa, niêm yết và giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán.
– Hợp đồng quyền chọn: Người nắm giữ hợp đồng quyền chọn có quyền, nhưng không có nghĩa vụ, mua hoặc bán một loại tài sản cơ sở tại một thời điểm nhất định trong tương lai theo mức giá được xác định trước. Người bán hợp đồng có nghĩa vụ thực hiện giao dịch khi người nắm giữ hợp đồng chọn thực hiện quyền. Hợp đồng quyền chọn bao gồm quyền chọn mua và quyền chọn bán
– Hợp đồng hoán đổi: Hợp đồng hoán đổi là một thỏa thuận giữa hai bên về việc hoán đổi các dòng tiền phát sinh từ các công cụ tài chính trong tương lai. Hợp đồng sẽ quy định rõ thời điểm hoán đổi dòng tiền và phương pháp tính toán cụ thể.
Trong đó, hợp đồng tương lai sẽ là sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên được niêm yết và giao dịch trên thị trường Việt Nam, cụ thể
– Hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu: Là Hợp đồng tương lai có tài sản cơ sở là chỉ số cổ phiếu VN30.
– Hợp đồng tương lai trên trái phiếu chính phủ: Là hợp đồng tương lai có tài sản cơ sở là Trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm, mệnh giá 100.000 đồng, lãi suất danh nghĩa 5%/năm, trả lãi định kỳ cuối kỳ 12 tháng/lần, trả gốc 1 lần khi đáo hạn.
Các sản phẩm này được lựa chọn trước tiên do tính chất sản phẩm đơn giản, tài sản cơ sở đều là các công cụ có độ rủi ro thấp và có tính đại diện cao. Nguyên tắc giao dịch Hợp đồng tương lai cũng không quá khác biệt so với giao dịch cổ phiếu trên thị trường cơ sở
3. Tôi được lợi gì khi giao dịch chứng khoán phái sinh?
Về công cụ đầu tư, CKPS cung cấp cho Khách hàng công cụ để phòng vệ rủi ro (nắm giữ đồng thời tài sản cơ sở và CKPS để trung hòa biến động giá), đầu cơ (“đặt cược” vào chiều biến động lên hoặc xuống của tài sản cơ sở) và đầu tư chênh lệch giá (1 số sản phẩm CKPS được định giá sai).
Cách thức giao dịch trên thị trường phái sinh về cơ bản giống trên thị trường cổ phiếu. Tuy nhiên, với tính chất linh hoạt của sản phẩm, nhà đầu tư giao dịch phái sinh sẽ được trải nghiệm một số tính năng khácnhư thực hiện bán khống (vốn không được phép trên thị trường cơ sở), giao dịch T +0, chốt lãi/ lỗ ngay trong ngày.
Về tài chính, CKPS cho phép nhà đầu tư sử dụng hiệu quả nguồn vốn của mình khi nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ một phần tài sản nhưng được giao dịch với giá trị lớn gấp 5 -7 lần giá trị ký quỹ.
Ngoài ra, việc giao dịch CKPS trên thị trường tập trung như HNX và HOSE sẽ giúp nhà đầu tư hạn chế rủi ro đối tác, do các công cụ phái sinh được chuẩn hóa và cơ chế thanh toán được thực hiện thông qua Đối tác bù trừ trung tâm (là Trung tâm lưu ký chứng khoán)- đóng vai trò người bán đối với mọi người mua và người mua đối với mọi người bán.
4. Thế nào là bán khống Hợp đồng tương lai?
“Bán khống” là hoạt động bán tài sản mà người bán khống không sở hữu. Khi thực hiện bán khống, người bán dự đoán giá tài sản sẽ giảm, do đó tài sản thường được “mượn” từ một người khác và bán với kỳ vọng sẽ mua lại trong tương lai với mức giá thấp hơn để thu được lợi nhuận.
Đối với thị trường cổ phiếu, nhà đầu tư chỉ được bán khi đã nắm giữ cổ phiếu trong tay. Tuy nhiên, đối với thị trường phái sinh, nếu nhà đầu tư có kỳ vọng giá tài sản cơ sở giảm trong tương lai, nhà đầu tư hoàn toàn có thể mở vị thế bán hợp đồng tương lai của tài sản cơ sở tương ứng ngay tại thời điểm hiện tại mà không cần sở hữu tài sản.
5. Giao dịch Hợp đồng tương lai có gì khác biệt so với giao dịch cổ phiếu?
Việc giao dịch Hợp đồng đồng tương lai diễn ra tương tự so với giao dịch cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể thực hiện giao dịch thông qua giao dịch khớp lệnh hoặc giao dịch thoả thuận.
Các Hợp đồng tương lai sẽ có bảng giá riêng biệt, nhà đầu tư dựa trên kỳ vọng của mình vào xu hướng của chỉ số có thể đặt lệnh và khớp lệnh để tham gia vào Hợp đồng tương lai. Tương tự như cổ phiếu, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số tăng sẽ mua hợp đồng tương lai chỉ số, nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số giảm sẽ bán hợp đồng tương lai chỉ số. Một điểm khác biệt là các hợp đồng tương lai sẽ đáo hạn, do đó nhà đầu tư khi tham gia giao dịch cần lưu ý chọn hợp đồng có tháng đáo hạn phù hợp.
Đối với cổ phiếu trên thị trường cơ sở, nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu cần phải có đủ số tiền, và nhà đầu tư muốn bán cổ phiếu phải có đủ số cổ phiếu trước khi giao dịch. Tuy nhiên, đối với Hợp đồng tương lai, nhà đầu tư không cần có đủ toàn bộ số tiền để tham gia vị thế mua, hoặc không cần nắm giữ tài sản cơ sở để tham gia vị thế bán. Nhà đầu tư khi giao dịch Hợp đồng tương lai, đối với cả bên mua và bên bán, sẽ cần làm quen với hai hoạt động chính trong Giao dịch hợp đồng tương lai: Ký quỹ và thanh toán hàng ngày
6. Ký quỹ là gì và ký quỹ hoạt động như thế nào?
Ký quỹ là một trong những điểm khác biệt của giao dịch chứng khoán phái sinh so với giao dịch cổ phiếu. Ký quỹ trong giao dịch chứng khoán phái sinh đóng vai trò như một khoản đặt cọc để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của hai bên khi tham gia hợp đồng. VietinBank Securities quy định tỉ lệ ký quỹ ban đầu cho mỗi loại hợp đồng khác nhau trên cơ sở tỉ lệ ký quỹ ban đầu do Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam quy định.
Tỉ lệ ký quỹ ban đầu do VietinBank Securities sẽ nêu rõ nhà đầu tư phải ký quỹ bao nhiêu phầm trăm giá trị hợp đồng trước khi tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh.
Nhà đầu tư không có đủ số tiền ký quỹ như yêu cầu có thể bị gọi ký quỹ, và phải nộp đầy đủ ký quỹ để có thể tiếp tục nắm giữ vị thế đối với Hợp đồng tương lai.
7. Việc thanh toán hàng ngày diễn ra như thế nào?
Một điểm khác biệt nữa của thị trường chứng khoán phái sinh là cơ chế thanh toán hàng ngày. Nhà đầu tư khi giao dịch và nắm giữ các vị thế trong các hợp đồng chứng khoán phái sinh sẽ phải thực hiện thanh toán toàn bộ lãi lỗ phát sinh từ các vị thế đó mỗi ngày:
– Nếu tài khoản chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư lỗ ròng: nhà đầu tư sẽ phải thanh toán đầy đủ toàn bộ số lỗ phát sinh chậm nhất đến 9h sáng ngày hôm sau.
– Nếu tài khoản chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư lãi ròng: nhà đầu tư sẽ nhận được đầy đủ số lãi phát sinh sau 11h sáng ngày hôm sau.
Lãi/lỗ ở mỗi vị thế sẽ được tính toán dựa trên giá giao dịch đóng cửa của hợp đồng tương lai đó. Riêng đối với các hợp đồng tương lai chỉ số đến ngày đáo hạn, lãi/lỗ sẽ được tính toán dựa trên giá đóng cửa của chỉ số tại ngày đáo hạn của hợp đồng tương lai đó.
8. Quy mô hợp đồng được tính toán như thế nào?
Giống như giá của mỗi cổ phiếu, quy mô của mỗi hợp đồng phái sinh sẽ cho biết giá trị đầu tư mà nhà đầu tư đang tham gia là bao nhiêu. Quy mô hợp đồng sẽ được tính theo công thức:
Quy mô hợp đồng = giá Hợp đồng tương lai * hệ số nhân
9. Làm thế nào để kết thúc vị thế đang nắm giữ?
– Để kết thúc vị thế đang nắm giữ trước thời điểm hợp đồng đáo hạn, nhà đầu tư có thể đặt lệnh tại vị thế đối nghịch với vị thế đang nắm giữ (Tổng số lượng hợp đồng của hai vị thế này bằng nhau)
– Các trường hợp cần đóng vị thế:
+ Không có nhu cầu tham gia hợp đồng.
+ Chốt lãi/lỗ
+ Số lượng vị thế nắm giữ vượt mức quy định
+ Không còn khả năng bổ sung ký quỹ theo yêu cầu/mất khả năng thanh toán.
10. Ký quỹ đối với giao dịch chứng khoán phái sinh khác như thế nào so với ký quỹ tại thị trường cơ sở?
Định nghĩa | Giao dịch mua ký quỹ là giao dịch mua chứng khoán của Khách hàng có sử dụng tiền vay của CTCK. Chứng khoán khác có trong tài khoản và chứng khoán mua được bằng tiền vay dùng để cầm cố | Ký quỹ là khoản đặt cọc trước khi tham gia hợp đồng nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thanh toán trong tương lai | |
Đối tượng ký quỹ | Bên mua | Bên mua và bên bán | |
Chi phí đòn bẩy | Phần tiền vay sẽ chịu lãi suất do CTCK quy định | Không có | |
Phạm vi áp dụng | Không bắt buộc. Đây là dịch vụ do CTCK cung cấp cho Khách hàng có nhu cầu giao dịch ký quỹ. |
Bắt buộc. Để tham gia giao dịch Hợp đồng tương lai cả bên mua và bên bán phải bỏ ra tài sản đặt cọc (tiền và chứng khoán) để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán |